Tây Tạng, Chặng Đầu Tiên của Mưu Đồ "Hán Hóa Toàn Cầu"


Hùng Nguyễn

Trong những ngày này, thế giới đang bắt đầu thức tỉnh trước âm mưu Hán hóa toàn cầu của Hán tộc (1) nhờ các cuộc nổi dậy và xuống đường của người dân Tây Tạng tại khắp nơi trên thế giới chống lại âm mưu đồng hóa dân tộc của họ bằng cách thức tương tự như cách mà chúng đã làm đối với dòng Bách Việt mấy ngàn năm trước đây: xâm chiếm lãnh thổ, tàn sát đối kháng và di dân Hán đến định cư, đồng thời dùng Khổng thuyết để Hán hóa toàn bộ vùng lãnh thổ mà chúng chiếm được. Dĩ nhiên, tình hình ngày nay có khác nhiều so với thời đại xa xưa, nhất là ở chỗ ngày nay, tập đoàn Bắc Kinh đang âm mưu kết hợp Khổng và Mác làm "áo che" cho các mưu đồ thôn tính lãnh thổ và diệt chủng văn hóa của chúng trên phạm vi toàn cầu, khởi đi từ các nhược tiểu lân bang, trong đó có Tây Tạng.

Để biết thêm về âm mưu Hán hóa toàn cầu này, xin mời quý bạn cùng tìm hiểu về một quốc gia nạn nhân đầu tiên của Hán tộc: Tây Tạng !!!

Nhưng trước hết, người viết xin được đính chính một điều, rằng người viết không phải là một sử gia, cũng chẳng phải một chuyên gia về Tây Tạng, thế cho nên toàn bộ bài viết này, người viết xin được coi như cùng quý bạn đọc tìm hiểm về một đất nước vốn rất xa lạ với chính bản thân người viết. Phần về sử cổ và cận đại của Tây Tạng được tóm lược chính yếu từ hai trang http://omni.cc.purdue.edu/~wtv/tibet/history0.html và http://www.friends-of-tibet.org.nz/tibet.html, và trang của chính phủ lưu vong Tây Tạng, http://www.tibet.com/glance.html, http://www.friends-of-tibet.org.nz/tibet.html, cũng như từ kiến thức thu lượm riêng của người viết.

Vài Đoạn Cổ Sử

Tây Tạng có thể được coi là quốc gia duy nhất trên hành tinh này mà từ ngày lập quốc đến nay, tôn giáo và thế quyền luôn tuy hai mà một, tuy một mà hai. Người ta hầu như không biết gì về khởi nguồn của dân tộc Tây Tạng cho đến khoảng năm 1063 trước Tây lịch, khi lãnh chúa Shenrab Miwo canh cải một loại thần giáo của bộ tộc Shen, hình thành tôn giáo Bon (2) và triều đại Shangshung. Theo truyền thuyết thì có đến 18 vị vua trong thời này, với lãnh thổ bao gồm 3 vùng là Goor, Trung, và Nội.

Vào lúc thoái trào của triều đại Shangshung đã xuất hiện đế chế Bod ,là tên hiện nay của Tây Tạng, do vua Nyatri Tsenpo là vị vua tôn giáo đầu tiên lãnh đạo (127 BC), với quốc thổ bao gồm hai thung lũng Yarlung và Chongyas. Đế chế Bod tồn tại hơn 1000 năm cho đến khi vua cuối cùng là vua Wudum Tsen, thường được gọi là Lang Darma bị ám sát năm 842. Sau đó, vua Songtsen Gampo thống nhất ba vùng, thành nướcTây Tạng mà thế giới biết đến ngày nay.

Vậy lịch sử Tây Tạng đã có 3 vị vua nổi bật là Songtsen Gampo, Trisong Detsen và Ralpachen, và được gọi là "Tam Đại Vương."

Có lẽ thấy người tiền sử Tây Tạng thường có tập tục che mặt hoặc sơn mặt để chống thời tiết khắc nghiệt trong vùng nên người ngoại tộc đã đưa ra truyền thuyết cho rằng người Tây Tạng là hậu thân của một chú khỉ và một tảng đá quỷ. Sau đó, cho đến triều đại Songtsen Gampo, truyền thuyết này được "tu chính" với chú khỉ đổi thành người Avalokitwsvara (Hán tộc gọi là "Quan Âm - Guan Yin"), một đệ tử của Phật Thích Ca, và tảng đá quỷ trở thành nữ thần Tara.

Trên thực tế, vua Songtsen Gampo đã coi mình là hậu kiếp của Quan Âm, và vợ ông, công chúa thuộc Hán Tộc nhà Đường tên Hoàng Trường (Wen-Cheng) là hậu kiếp của nữ thần Tara. Để ý rằng câu chuyện hóa thân này được người Tây Tạng coi là quan trọng. Cho mãi đến ngày nay, lâu đài của Đại-la Lạt-ma tại Lhasa vẫn được gọi là "Cung Điện Potala", mà theo phiên âm tiếng Hán thì "Potala" là "Putou", cũng là tên một hòn đảo trong Đông Hải của Tầu được tin là nơi cư trú của Quan Âm. Cũng theo truyền thuyết, thì:

"Các vua Tây Tạng bị giáng xuống trần bằng một sợi dây thừng nối họ với trời. Khi chết, một đấng trên thiên đình sẽ kéo sợi dây lên cùng với thân xác của họ. Vì thế các vị vua này đều không có thân xác tồn tại, và do đó không có mộ của bảy vị vua đầu tiên của Tây Tạng. Vị vua thứ tám vô tình cắt đi sợi dây trong một cuộc chiến chống phiến loạn. Rồi từ đó trở đi, thân xác các vị vua không còn lên thiên đình được nữa, nên được chôn trong phần đất phía nam Tây Tạng."

Mỗi vị vua của Tây Tạng được đội vương miện từ tuổi 13 với sự bảo dưỡng của chú, bác bên mẹ. Vậy điều khó có thể hình dung ra được là mọi ông vua già đều tạ thế đúng lúc một cách chính xác đến như vậy!

Giao Tiếp Mãn-Hán-Tạng.

Trong thời Hán, đã có sự giao cấu giữa người Shang và người Jian thành ra người Jian-Shang tạm gọi là "Tạng-Hồi".

Vào khoảng thế kỷ thứ 4, sau khi người Tạng-Hồi đông tiến vào phần trung tâm Tầu và thành lập các bộ lạc du mục, người Huyền (Huen), gốc Mãn Châu đã tây tiến vào các vùng người Jian (tỉnh Quỳnh Hải hiện nay), thành lập đế chế Tu-Yu Huyền, lãnh thổ là hầu hết tỉnh Quỳnh Hải hiện nay, trong khi nhà Đường cho người định cư tại các vùng ranh mầu mỡ của tỉnh.

Năm 638, vua Đường tài Chung đã cử danh tướng của họ là Lý Chính, kết hợp với tướng Lý Đậu Chung, tấn công người Huyền. Người Huyền bị thất trận và trở thành chư hầu của nhà Đường. Vua Đường bèn chọn một số gái trong giới hoàng thân quốc thích xa đem gả cho vua Tu-Yu. Đây là thứ hôn nhân bị quan lại nhà Đường khắt khe lên án.

Sau khi quân Tu-Yu bị Đường làm suy yếu, quân Hồi-Tạng đã tấn công từ phương nam. Người Tạng-Hồi cũng đã cử một phái đoàn sang Đường triều xin kết hôn cùng công chúa Đường, nhưng bị người Huyền phá đám. Tạng-Hồi tức giận gửi quân sang tấn công và đẩy lui người Huyền về bờ bắc của hồ Quỳnh Hải. Tranh chấp Tạng-Hán bắt đầu. Sau nhiều chiến thắng quan trọng, Tạng tái gửi một phái bộ sang, và triều đình Đường hiển nhiên đã công nhận cuộc hôn nhân này, vì trong lúc ấy, Đường triều còn đang bận chinh chiến tại hai mặt tây-bắc với người Thổ và đang âm mưu thôn tính Triều Tiên ở mặt đông bắc.

Đám Cưới Hoàng Tộc Hán-Tạng.

Tranh chấp Hán-Tạng đem đến kết quả là nhà Đường, do bận tâm bành trướng tại các mặt trận khác, đã đành tương nhượng, thuận gả Hoàng Trường công chúa cho vua Songtsen Gampo (629-649), tuy rằng nội vụ về đám cưới này cho đến nay vẫn còn một số điểm mù mờ, kể cả về ngày tháng lẫn sự thực chẳng biết cô nàng có phải công chúa Đường thật không hay chỉ là một cô dâu "thế thân". (3)

Thế Thủ Hán-Tạng.

Trong giai đoạn 641-755, từ Đường Tài Chung cho đến Đường Minh Hoàng, đã có một số giao tranh giữa hai đế chế. Có rất ít xung đột trong thời Đường Tài Chung và Songtsen Gampo. Nhưng vua Đường tiếp theo quyết định cho hồi hương số người Huyền còn lại xuống vùng nam Quỳnh Hải bằng cách cử 100 ngàn quân tấn công vùng cao nguyên Quỳnh Hải giáp giới Tây Tạng. Nhưng quân Đường thảm bại với quân số 400 ngàn của người Tạng-Hồi. Quân Tạng đã tiến chiến Xinh-Kang và bắt giữ bốn đạo quân Đường. Sau đó quân Đường phản công, lấy lại bốn đạo quân, nhưng khi lên đến cao nguyên thì lại bị đẩy lui.

Trong giai đoạn này, cả Hán lẫn Tạng đều bành trướng. Hán tấn công người Thổ, Triều Tiên, Xinh-kang, Trung Á (một phần của Liên Xô hiện nay) và xa là đến tận Ba Tư. Người Tạng thì tấn công vương quốc Shangshung, đại Giang-tung, tiểu Giang-tung, vùng Su-pi, vùng ngừơi Huyền, và các bộ lạc nhỏ trong vùng Quỳnh Hải.

Lúc này nhà Đường muốn tái lập nước Tu-Yu Huyền, trong khi người Tạng lại muốn bốn quân đoàn của Đường trong vùng nam Xinh-Kang (đang canh giữ con đường tơ lụa nối từ Xinh-Kang đến Trung Á).

Phật Giáo Du Nhập Tây Tạng.

Hai bà vợ của vua Songtsen Gampo đều là hai tín đồ Phật giáo. Mỗi người đều đem theo một nhóm sư sãi vào Tây Tạng, và đây là khởi thủy của Phật giáo Tây Tạng. Thoạt tiên Phật giáo bị đạo Bon chống đối mãnh liệt. Sau khi vua Songtsen băng hà, triều đình quay sang chống đối Phật giáo. Công chúa Hoàng Trường lúc ấy bèn cử một số sư Đường vào thành phố Xinh-kang chuyển ngữ một số kinh Phật sang tiếng Tạng đồng thời xây thêm một số chùa chiền.

Vị vua thứ 5 Khri-srong-de-stan đã có công chấn hưng Phật giáo Tây Tạng, nhà vua cải từ Bon giáo sang Phật giáo. Dưới triều vua đã có một cuộc tranh luận giữa các tu sĩ Bon và tu sĩ Phật. Nhà vua tuyên bố đạo Phật thắng và rồi cấm đạo Bon. Ông cũng mời các vị tu sĩ nổi tiếng từ Ấn Độ sang truyền bá Phật giáo khắp Tây Tạng.

Nhà vua cũng đã chỉ định 7 quốc sư Tây Tạng đầu tiên, và ra luật buộc cứ 7 gia đình phải có một sư.

Sang đến đời vua thứ 7, nhà vua bắt đầu dùng tu sĩ Phật giáo vào các chức vụ như thượng thư, và phiên dịch các kinh Phật sang tiếng Tạng một cách có hệ thống. Năm 815, vua thứ 8 lên kế vị, là một tín đồ sùng đạo đến độ nhà vua đôi khi trải mớ tóc dài của mình cho các tu sĩ ngồi trên đó mà thuyết pháp. Ông ra luật là bất kỳ ai dám lườm nguýt hay chỉ chỏ vào một nhà sư là phải bị phạt.

Nhưng trong nước thành phần theo đạo Bon vẫn còn nhiều. Nhà vua bị một thừa tướng Bon ám sát để đưa người em lên kế vị nhằm khôi phục Bon. Cùng lúc đó tại nước Tầu, vua Đường là Vũ Chung cấm Phật giáo để thay bằng Lão giáo. Trong khi tại Tây Tạng, vua thứ 9 ra lệnh đốt kinh Phật, buộc mọi người phải vứt kinh Phật và mọi chùa chiền trở thành nơi giết thịt. Khởi đầu thời kỳ suy vi của Phật giáo Tây Tạng.

Trong thời kỳ cấm đạo của nhà vua thứ 9, một số Phật tử tìm đường tị nạn sang các nước khác. Thoạt tiên họ trốn sang miền tây Tây Tạng, và sau đó đến Xinh-Kang. Khi triều đình suy vi, họ trở lại Quỳnh Hải và lập một ngôi chùa nhằm quảng bá Phật giáo.Cùng lúc, một số người Tây Tạng qua Ấn để tu Phật và trở về thuyết pháp. Ngoài ra, còn có một số sư sãi nổi danh Ấn Độ đến Tây Tạng thuyết pháp. Các sự kiện trên có thể được coi là bắt đầu khoảng năm 978.

Nhà Đường Suy Vi, Tây Tạng Bành Trướng (755-841).

Năm 755, tướng thống lãnh đạo binh phía bắc của Đường là An-lộc-Sơn dấy loạn, thống lãnh 150 ngàn tinh binh tiến đến Trường An, thủ phủ nhà Đường, nhưng đã bị kẹt tại Đồng Quan, một thành lớn gần Trường An. Đường Minh Hoàng phải rút các đạo quân canh phòng con đường tơ lụa và binh đoàn bắc và nam Xinh-Kang về bảo vệ thủ phủ. Cuộc chiến kéo dài mãi đến năm 763, khi nhà Đường quyết định phân chia lãnh thổ thành các "vùng quân sự" (mà sau này Mao cũng bắt chước như vậy) thì An Lộc Sơn mới suy yếu và sau cùng thất bại và tự tận.

Nhưng sau khi rút quân bảo vệ đường tơ lụa và hai đạo quan Nam, Bắc bảo vệ Xinh-Kang, thì quân Tạng kéo đến chiếm đóng con đường tơ lụa. Đám quân Hán còn lại tử thủ và tồn tại trong nhiều thập niên chờ quân tiếp viện. Mãi đến năm 790, sau khi các binh sĩ đã già yếu, quân đoàn Bắc bị đánh tan, còn quân đoàn Nam thì phải giải giới và biến mất.

Trong lúc ấy, Tây Tạng tấn công Tứ Xuyên (Szechuan) và đánh nhiều trận quan trọng với quân nhà Đường. Một phần tỉnh Vân Nam (Yunnan) thuộc nhà Đường đã nổi dậy và thành lập một vương quốc riêng. Thoạt đầu, Vân Nam được sự chống lưng của Tây Tạng bằng cách làm chư hầu Tây Tạng. Nhưng sau đó nhà Đường công nhận Vân Nam, và Vân Nam xin làm chư hầu cho nhà Đường.

Năm 763, dưới thời vua Khri-srong-de-stan (755-797, vua thứ 5) quân Tạng tiến đánh chiếm thủ phủ Trường An, lập một vua Tầu khác trong vòng vài ngày, khiến vua quan Đường phải bỏ thành mà chạy. Vua Đường lúc bấy giờ là Huệ Kỳ Quang cùng toàn bộ triều đình phải chấp nhận cống 50 ngàn cuốn lụa mỗi năm.

Chính vua này đã quốc hóa Phật giáo và biến đạo thành một thứ phù trợ cho Dharma. Ông cũng đã cho trục xuất một số sư sãi Tầu và cấm trường Phật học của Tầu, để thay bằng ngành Phật học Ấn.

Năm 848, khi vương triều Tây Tạng suy vi, nhà Đường tái phục hoạt con đường tơ lụa.

Vào trước thời suy vi của đế chế Tây Tạng (821-822, thời vua thứ 8, Ralpachen), vương quốc này đã cai trị Tây Tạng, Quỳnh Hải, con đường tơ lụa, một phần của phía nam Xinh-Kang, một phần trung Á; giáp giới Ấn Độ, Tầu, Persia, Mông Cổ, với dân số khoảng 15 triệu và 400 ngàn quân. Và đây là phần lãnh thổ rộng lớn nhất của đế chế Tây Tạng xa xưa.

Trong khi nhà Đường lúc bấy giờ có khoảng 16 triệu dân và 15 ngàn tinh binh.

Năm 838, em vua Ralpachen lên kế vị. Ông đàn áp Phật giáo và muốn tái lập đạo Bon. Nhưng chẳng bao lâu sau thì bị một tu sĩ Phật giáo ám sát chết, từ đó quyền lực vào tay hai người con ông và đất nước Tạng lâm vào thời kỳ suy vi khởi đầu bằng cuộc nội chiến 20 năm, từ đó mọi phần lãnh thổ bành trướng trước kia đều bị mất hết. Đất nước phân chia nam-bắc do hai phe muốn phò hai người con của vua Ralpachen. Thời kỳ suy vi này kéo dài từ năm 842 cho mãi đến năm 1247.

Vài Đặc Điểm của Phật Giáo Tạng.

Do được truyền bá từ Tầu và từ Ấn sang, lại bị ảnh hưởng của Bon, Phật giáo Tạng là một ngành Phật giáo độc lập với cả hai nguồn gốc này. Phật giáo Tạng đặc biệt được truyền bá mạnh sang Mông cổ. Dưới thời nhà Nguyên đã có một số hoàng thân quốc thích Mông cải đạo theo Phật giáo Tạng.

Đại để, thế hệ đầu tiên của Tạng Phật là ngành Mũ Đỏ (Nying-ma-pa), sau đó phân ra thành Mũ Vàng, Mũ Hoa, Mũ Trắng, Mũ Đen, và sau cùng là Tân Mũ Vàng của các Đại-la Lạt-ma. Trong số đó, ngành Mũ Hoa thiên về chính trị và chính quyền, còn Mũ Vàng và Mũ Đỏ chỉ thuần chú trọng về đạo pháp và tu hành.

Năm 1409, tu sĩ Tsong-kha-pa tổ chức một đại hội nghị nhằm canh cải Mũ Vàng thành Tân Mũ Vàng. Các quy luật quan trọng của ông là:

i. Phải thật nghiêm ngặt ngăn cấm việc tu sĩ nam nữ chung chạ, lấy nhau, hoặc có quan hệ tình dục;

ii. Các sư nam lẫn nữ đều phải sống nhờ cúng dường;

iii. Sư nam, nữ không được có dục vọng chính trị quyền lực;

iv. Duy trì một hệ thống "Phật Sống" Tulku;

v. Xây thêm chùa chiền; vi. Mỗi năm có một hội nghị; vii. Phát văn bằng Geshi về Phật Học.

Vậy ông là vị Đại-la Lạt-ma thứ Nhất! Hai Lạt ma thứ 3 v4 là người Mông Cổ!

Đã có sự tranh chấp gay gắt giữa phái Mũ Trắng và Tân Mũ Vàng. Năm 1642, một chúa Mông đã đáp lời kêu gọi của vị Lạtma Thứ Năm, sau khi tấn công vùng tây Quỳnh Hải đã tiến thẳng vào Tây Tạng đàn áp phái Mũ Trắng lúc ấy vừa thắng thế. Kể từ đó, phái Tân Mũ Vàng trở thành phái có ảnh hưởng nhất của Phật giáo Tạng.

Quan Hệ Tạng-Mông.

Năm 1227, quân Mông Cổ tiến gần đến Lhasa, nhưng bất thần rút về Quỳnh Hải và con đường tơ lụa, đồng thời đòi Tạng phải đầu hàng vô điều kiện. Các lãnh chúa Tạng đã quyết định gửi Saban và cháu vua là Phags-pa đến phe Mông Cổ thương lượng. Tạng chấp nhận đầu hàng với điều kiện mọi tài sản phải được bảo đảm và triều đình không bị mất chức - một hình thức tự trị!!!

Nhà Nguyên chia Quỳnh Hải thành 4 phần: vùng mầu mỡ trở thành một phần của con đường tơ lụa, Đất Mông phía tây bắc, vùng quanh hồ Quỳnh Hải, và phần cao nguyên phía nam là của Tạng, vùng Xinh-Kang và phần giáp ranh Tứ Xuyên là một nước độc lập.

Sau này nhà Nguyên thuận cho người Tạng tự trị với một toàn quyền gọi là "Diba", đồng thời Phật giáo Tạng được trở thành quốc giáo Mông Cổ. Vào cuối thời nhà Nguyên, phái Phật giáo Mũ Trắng, tập trung quanh Lhasa, được nhà Nguyên công nhận như các lãnh tụ địa phương. Năm 1368, quân Minh tiến vào Đại Đô (Bắc Kinh hiện nay), chấm dứt triều đại nhà Nguyên.

Năm 1642, dưới thời Lạtma thứ 5, lãnh chúa Mông là Chí Tu Khan vốn người phái Mũ Trắng chiếm phần tây của Quỳnh Hải, hợp tác với hai lãnh chúa Mông khác, đem 1 vạn tinh binh đến nhằm tiêu diệt phái Mũ Vàng, phục hồi đạo Bon. Cùng lúc một lãnh chúa Mông khác là Ku-sĩ sau khi tấn công vùng tây Quỳnh Hải đã đáp lời kêu gọi của vị Lạtma thứ 5 đem quân vào Tạng nhằm cứu nguy phe Mũ Vàng. Ông đã toàn thắng và từ đó phái Mũ Vàng chiếm thế thượng phong tại Tây Tạng.

Quan Hệ Tạng-Minh.

Sau khi lên cầm quyền, nhà Minh giữ nguyên tình trạng cũ, chấp nhận Tây Tạng làm một nước chư hầu. Nhưng bãi bỏ chức Diba để thay vào một bộ bốn gọi là "Kaloons" mà Kaloon đứng đầu nắm binh quyền. Và để bình định vùng cũng như để thỏa mãn người Tạng, nhà Minh đã cho in một số kinh Phật phân phát trong vùng, cũng như sản xuất một số hàng sang Tạng. Đây cũng là thời kỳ mà hầu hết các chùa chiền tại Tây Tạng được xây dựng.

Năm 1642, vị Lạtma Thứ 5, Ngawang Lozang Gyatso, nhậm chức cả về giáo quyền lẫn thế quyền tại Tây Tạng. Ông là người thành lập hệ thống chính quyền Tây Tạng hiện nay, được gọi là "Ganden Phodrang", tức là "Chiến Thắng Khắp Nơi." Sau khi trở thành lãnh tụ Tạng, ông đến Tầu yêu cầu công nhận quyền của ông. Nhà Minh công nhận vị Lạtma này như lãnh tụ một nhà nước độc lập và bình đẳng. Có lời ghi chép lại rằng vua Minh chẳng những đã ra khỏi điện để tiếp kiến Đại-la Lạt-ma mà còn làm một con đường bí mật xuyên qua tường để vị Lạtma này có thể vào thành mà không phải đi qua cổng chính.

Biết được địa vị quan trọng của các vị Lạt-ma, các thế lực trong vùng vào những năm sau đó triệt để tìm cách kiểm soát đứa trẻ Lạt-ma mới được khám phá, để có thể khuynh đảo tình hình Tây Tạng. Năm 1720, quân Thanh đưa quân bảo vệ một Lạt-ma trẻ vào Lhasha, khởi đầu sự nhúng tay của nhà Thanh vào nội tình Tây Tạng. Năm 1727, do một đại diện của Thanh triều bị ám sát chết ở Lhasha, vua Thanh lúc ấy là Sùng Chính đem quân tiến vào tìm cách kiểm soát nội tình Tây Tạng nhưng không thành công.

Vài Đoạn Cận Sử Tây Tạng.

Vào giai đoạn 1876, dưới triều Lạtma thứ 13, do có quyền lợi mật thiết với nhà Thanh, Anh Quốc đã tổ chức một hội nghị ngày 13-09-1876, nhằm được quyền cử một phái đoàn tới khám phá Tây Tạng. Nhưng phái đoàn này đã bị từ chối không được vào Tạng vì người Tạng không công nhận quyền của người Tầu trong lãnh thổ của họ. Hai hội nghị tiếp theo do Thanh triều tổ chức cũng bị phản đối.

Để đối trọng lại, chính phủ Tạng đã ngầm liên lạc với Sa Hoàng, khiến Anh lo ngại và mở cuộc tấn công Tạng ngày 3-08-1904, dẫn đến hiệp ước Tạng-Anh ngày 7-09 cùng năm. Lúc ấy Lạtma đang ở Mông Cổ tại một tu viện thuộc tỉnh Am Đỗ. Cùng lúc ông nhận hai yêu cầu khẩn: một từ Lhasa thúc giục ông phải khẩn cấp trở về Tạng vì lý do an ninh và không thể chống lại quân Thanh do Châu Ỷ Phong cầm đầu đang muốn tiến vào Tạng; một từ Bắc Kinh yêu cầu ông công du Bắc Kinh. Ông đã chọn đến Bắc Kinh với hy vọng có thể dùng ảnh hưởng của mình để chặn bước tiến của quân Tầu nhà Thanh.

Nhưng khi ông trở lại Lhasa năm 1909, ông đã nhận ra rằng hoàn toàn trái ngược với những gì ông được quân Tầu hứa hẹn tại Bắc Kinh, quân của Châu Ỷ Phong đã tiến vào Tạng. Năm 1910, 2000 quân Thanh do tướng Chung Dinh cầm đầu đã tiến vào Lhasa và tàn sát, cướp bóc, hãm hiếp, tàn phá, khiến vị Lạtma này phải rời Lhasa, giao nhiệm vụ trị nước lại cho một Hội Đồng. Ông đến một phố nhỏ tên Dromo ở phía nam với hy vọng có thể cầu viện người Anh nếu cần. Nhưng quân Thanh đã tiếp tục truy lùng, buộc ông phải đào tị sang Ấn.

Tại Ấn Độ, ông và nội các đã kêu gọi người Anh giúp đỡ Tây Tạng. Trong khi đó tại Tây Tạng quân Mãn Thanh tìm cách lật đổ chính phủ Tạng và sát nhập Tạng thành một tỉnh của Thanh triều. Nhưng chẳng bao lâu sau, cuộc cách mạng 1911 tại Tầu xảy ra, và quân Tầu tấn công quân Thanh ngay tại Lhasa. Nhưng lúc đó, người Tạng nhận lệnh của Lạtma đang lưu vong tại Ấn và phản công đuổi quân Tầu ra khỏi Tạng năm 1912. Trong giai đoạn này, tân thống chế Tầu là Nguyên Sĩ Khải (Yuan Shih-kai) đã cố gắng gửi quân đến Tạng nhưng cùng lúc trấn an người Tạng bằng cách xin lỗi và nói rằng ông muốn tái lập Lạtma, nhưng vị Lạtma này phải bác rằng ông không hề yêu cầu chính quyền Tầu một chức vụ nào cả về tinh thần lẫn thế quyền, và ông tuyên bố Tây Tạng độc lập.

Quân Tầu đã phải rời Tạng năm 1913. Cũng năm này, một hiệp ước song phương Tạng-Mông đã được ký kết, trong đó cả hai đều tuyên bố độc lập với Tầu. Lạtma thứ 13 đã hồi hương và thành lập hệ thống bưu điện và điện tín, đồng thời thực hiện việc hiện đại hóa Tây Tạng. Ông qua đời ngày 17-12-1933.

Trong những năm sau đó, Tầu đã gửi các phái bộ đến Lhasa gọi là để "hòa giải" nhưng trong thực chất là để giải quyết tranh chấp biên giới Hán-Tạng. Phái đoàn Tầu đã được ở tại Lhasa, cũng giống như các phái đoàn của Nepale và Ấn cho đến khi toàn bộ bị trục xuất năm 1949.


Tháng 09-1949, quân Tầu Cộng đã bất thần tấn công Đông Tạng và chiếm Chamdo, tổng hành dinh của Chính Quyền Đông Tạng. Ngày 11-11-1950, chính phủ Tạng đưa phản kháng lên LHQ, nhưng HĐ Thường Trực LHQ quyết định trì hoãn việc giải quyết vấn đề này.

Ngày 17-11-1950, Đức Đại-la Lạt-ma thứ 14 (vị Lạtma hiện nay) phải lên giữ cả giáo quyền lẫn thế quyền vì tình hình rối ren của Tây Tạng, mặc dù lúc ấy ông mới có gần 16 tuổi. Ngày 23-05-1951, một phái đoàn Tạng đã đến Bắc Kinh để đàm phán về vụ xâm lược của Tầu, nhưng trước sự đe dọa về các cuộc tấn công quân sự và thành lập một chính quyền tay sai, phái đoàn đã bị buộc phải ký cái gọi là "Hiệp Ước 17-điểm về Biện Pháp cho Hòa Bình và Tự Do của Tây Tạng."

Tầu Cộng đã lợi dụng văn bản này để tiến hành việc thuộc địa hóa Tạng mặc cho sự phản kháng của người dân Tạng. Đồng thời, Tầu đã vi phạm mọi điều khoản trong việc ký kết một "hiệp ước" bất bình đẳng đối với người dân Tây Tạng.

Ngày 09-09-1951, Hồng Quân Tầu Cộng tiến chiếm Lhasa, từ đó thực hiện một sự hủy diệt một cách có hệ thống, các chùa chiền, tu viện, đàn áp tôn giáo, chính trị, bắt bớ hàng loạt, v.v....

Ngày 10-03-1959, phong trào Toàn Quốc Tạng Phản Kháng chống Tầu Cộng tại Lhasa bùng nổ. Kết quả là Tầu Cộng đã dùng phương pháp "đóng cửa sát nhân", với một con số không ai biết là bao nhiêu người Tây Tạng đã bị giết chết và bắt bớ.

Ngày 17-03-1959, Đại-la Lạt-ma rời Lhasa sang trốn thoát khỏi sự truy lùng của quân Tầu Cộng và sang tị nạn chính trị tại Ấn Độ. Theo sau ông là hàng chục ngàn người Tạng bị buộc phải rời quê hương đi tị nạn.

Tây Tạng - Tổng Thể.

Tạng là một nước trong vùng Trung Á, diện tích 2.5 triệu cây số vuông, là nơi được mệnh danh "Mái Nhà của Thế Giới", vì ở độ cao trung bình là 13,000 bộ trên mực nước biển. Tây Tạng Bắc giáp Tân Cương; nam giáp Ấn, Nepal, Bhutan; tây giáp Ấn, đông giáp Tầu, với diện tích lớn gấp trên 7 lần Việt Nam.

Bỏ qua các mơ hồ về ranh giới thời vua chúa xa xưa, Tây Tạng có thể coi là gồm 3 tỉnh: Amdo, Kham, U-Tsang. Hiện nay quân Tầu đã tách rời và phân chia như sau:

- Amdo phân thành tỉnh Quỳnh Hải-Qinghai, Gansu và Tứ Xuyên-Sichuan.

- Kham bị sát nhập phần lớn thành Tứ Xuyên và Vân Nam.

- U-Tsang bị Tầu goi là "Vùng Tự Trị Tây Tạng - TAR - Tibet Autonomous Region".

Riêng vùng TAR này bao gồm gần nửa lãnh thổ Tạng nguyên thủy, do Mao thành lập năm 1956. Điểm đáng lưu ý là Khi người Tầu nói đến "Tây Tạng", thì họ muốn nói đến vùng TAR này. Còn người Tạng khi nói đến TAR thì bao gồm toàn bộ 3 tỉnh nêu trên, tức là lãnh thổ của họ trước khi quân Tầu Cộng xâm lăng năm 1949-1950.

Ngày nay, Tầu Cộng đã cho di dân Tầu đến Tạng và kết quả là dân số Hán còn cao hơn nhiều so với dân Tạng.

Tại Sao Tầu Cộng Cương Quyết Thôn Tính Tây Tạng?

Qua bản đồ bên phải trên, ta thấy phía nam Tạng, giáp giới với Ấn là rặng Hy-mã-lạp-sơn với ngọn núi cao nhất thế giới là ngọn Everest. Trong thời xa xưa, khi phải chuyển quân bằng chính yếu là ... bộ binh, xe kéo, và ngựa chiến, ..., thì việc tấn công lên một vùng cao nguyên núi non hiểm trở quả thật chẳng phải chuyện dễ. Nhất là khi cao độ của Tạng lên đến 13,000 bộ, là độ cao khiến người mới đến rất dễ dàng bị rối loạn tim mạch và do đó là tâm-sinh lý. Cao độ đặc biệt và khi hậu không tốt đã ảnh hưởng nặng nề đến cả thực vật; thí dụ: "Đông trùng, hạ thảo" (mùa đông là côn trùng, mùa hè thành cây) là thứ sinh vật, dùng làm thuốc, mà có lẽ là duy nhất trên thế giới, có thể mọc ở cao nguyên Tây Tạng.

Cao nguyên Tạng cũng là nơi phát xuất của hai con sông lớn của Á châu là Mê-kông và Trường Giang (Dương Tử). Nếu có một biến động vào hai nguồn này thì chẳng những toàn bộ các nước thuộc lưu vực Mê-kông mà còn toàn bộ nước Tầu đều bị ... khốn đốn.

Do vậy, Tây Tạng chiếm một vị trí chiến lược địa dư, kinh tế vô cùng quan trong đối với Tầu, trong khí chính người dân Tạng lại chẳng được hưởng bao nhiêu vì nằm trên ... thượng nguồn, lại chẳng có các loại mỏ năng lượng như dầu hỏa chẳng hạn.

Vào thời nay, trong mưu đồ "Hán hóa toàn cầu" - mà nói trắng ra là "xâm thực/lược toàn cầu" - thì phía tây Tầu cũng là một hướng bành trướng. Do vậy Tây Tạng là một trở ngại vô cùng lớn lao cho mưu đồ Hán hóa toàn cầu của Tầu Cộng.

Ngược lại, nếu muốn tiến vào Tầu, từ phía tây nam, người ta có thể thành lập hậu cứ ở sườn đông-bắc của Hy mã lạp sơn làm bàn đạp tiến xuống vùng thung lũng thấp hơn một cách dễ dàng. Nếu Ấn chẳng hạn, thực hiện được điều đó, có nghĩa là một Tây Tạng hùng mạnh và độc lập đương nhiên là rào cản to lớn cho âm mưu bành trướng Hán tộc về phía tây.

Như vậy, Tây Tạng cũng giữ một vị trí chiến lược địa dư giống như Miến Điện và Việt Nam, là những "chốt" thiên nhiên mà giặc Hán phải "bứng" cho bằng được. Nhưng cũng vì nằm trong đất liền, lại không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nên vùng đất Tạng khó thu hút sự lưu tâm và giúp đỡ của Tây Phương so với các vùng khác, như Việt Nam chẳng hạn!

Trong khi đó, một nước Tầu dở dở ương ương, lại từ ngàn xưa có tham vọng thôn tính bành trướng, nhưng luôn luôn bị một đại quốc là Nga đè bên trên và Nhật ở phương đông, thì chúng, trong giai đoạn vài mươi năm tới, chỉ còn hai hướng chính để khởi động chiến dịch xâm thực: tây và nam. Vậy thì chỉ còn 3 chốt chặn chính là Afghanistan Pakistan phía tây, Ấn phía tây, Miến Điện phía tây-nam, và Việt Nam phía đông-nam. Mà trong đó, Tây Tạng và Tân Cương bị chúng dùng làm "bàn đạp" cho mưu đồ tây tiến của chúng, và tiếp theo (hoặc cùng lúc) là Miến ở mặt nam và Việt Nam ở đông-nam.

Tuy nhiên, vị trí địa dư của Tạng cũng không phải là hoàn toàn "ung dung", vì Tạng bị bao vây trong nội địa, không hề có bờ biển. Việc canh nông, du mục, phần lớn dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi dọc theo hai bên bờ thượng nguồn sông Mêkông. Do vậy, muốn duy trì được một quốc gia độc lập lâu dài trong đất liền kiểu này tưởng chỉ còn cách là Tạng hoặc liên minh với Tầu, là điều đã không thể thực hiện được trong quá trình lịch sử gần 4000 năm của họ. Hoặc giả họ phải liên minh với Ấn để tìm đường thông thương với bên ngoài.

Cái sự khó khăn địa dư này đã được tác giả trang "A Short History of Tibet -http://omni.cc.purdue.edu/~wtv/tibet/history0.html" nhận định như sau:

"Núi non và khí hậu xấu đã biến vùng này thành ra không tự lập được. Đã có cải tiến vật chất trong đời sống thường nhật của người Tạng. Thí dụ, đã có phát triển về điện tại Tây Tạng, tuy còn giới hạn. Khi tôi còn ở Nagqu (phía bắc Tạng), chỉ có mỗi ngày 4 giờ có điện, và hầu hết mọi người dùng quần áo bằng bông gòn, và rau (mà theo truyền thống là rong rêu), v.v.... Tất cả những vật liệu này đều đến từ vùng người Hán, hầu hết đều có giá của nó. Tôi đã nhìn thấy hàng đoàn xe vận tải chất đầy vật liệu đến Tạng, và hoàn toàn trống rỗng khi trở về. Điều khó là người Tạng không thể sống theo kiểu xưa, trong khi lối sống mới đòi hỏi phải có trợ lực đáng kể từ một nơi nào đó bên ngoài. Bất kỳ ai đưa ra một kế hoạch tương lai cho Tạng phải cho chúng ta biết rằng nguồn trợ cấp này (khoảng 200 triệu mỹ kim hàng năm) đến từ nơi đâu.

Tôi đã quan sát các xa lộ dẫn từ Quỳnh Hải, Tứ Xuyên, Vân Nam và Xinh-Kang được xây dựng. Quân Tầu có thể đến Lhasa từ những nơi này trong vòng 1 ngày. Vậy điều không thể thực hiện được là việc tiến hành một cuộc chiến chống quân Tầu trong nội địa Tây Tạng."

Do những trở ngại thiên nhiên nêu trên, cùng với vị thế độc đáo của nền văn hóa và Phật giáo Tây Tạng, ta thấy có lẽ đây là điểm mạnh duy nhất của Tạng và cũng là lý do khiến vị Lạtma hiện nay cương quyết đấu tranh cho văn hóa và Phật giáo Tạng.

Trong khi đó văn hóa Hán nói chung trên thực chất là cái thứ "văn hóa xâm thực" bắt nguồn từ Khổng, Lão, Mạnh, và trong thế kỷ 21 này, là một kết hợp ma quỷ của hai hình thái cực đoan Đông-Tây là Khổng và Mác!

Cng với vị trí chiến lược của Tạng thiên nhiều về quân sự hơn là kinh tế, thì tưởng trận đồ đã rõ, nhưng kết quả tối hậu sẽ ra sao? Nếu để ý rằng trên thực tế nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố phi thường - ở đây tưởng cũng nên nhấn mạnh đến yếu tố liên minh giữa các nạn nhân của âm mưu Hán hóa này, trong đó có cả Việt Nam, Lào và Miến Điện - thì thật khó ai có thể tiên đoán nổi kết quả !!!

HN - 04-19-2008

Ghi Chú:

1. Hán tộc: Sau mấy ngàn năm, từ khi Hán Cao Tổ Lưu Bang thành lập nhà Hán và sau đó là việc "quốc hóa" Khổng học vào hệ thống chính quyền, thì nay "Hán tộc" ở đây phải được coi là bất kỳ ai theo văn hóa Khổng, đặc biệt là dùng tiếng Tầu, và sống trong nước Tầu, kể cả một số người gốc Bách Việt nhưng lại dùng Hán tự và theo Khổng trong vùng Hoa Nam, sống và chủ trương bành trướng văn hóa Hán Khổng, hay khoác áo Khổng cho mưu đồ xâm lăng toàn cầu, về bất kỳ phương diện nào, văn hóa, chính trị, kinh tế, v.v....

2. Bon: Thần giáo phát sinh tư Tây Tạng, do lãnh chúa Shenrab sáng lập. Theo giáo này thì ba anh em là Dagpa, Salba và Shepa cùng học đạo trên "thiên đàng" gọi là Sridpa Yesang từ thần thông thái Bumtri. Khi hoàn tất, họ đến viếng Thần Thông Cảm Shenlha Okar và hỏi rằng làm cách nào có thể giúp đỡ chúng sinh đang trầm luân trong bể nghèo khổ. Thần khuyên họ nên là người dẫn đạo cho nhân loại bằng 3 chặng đời của thế giới. Theo đó, người anh cả Dagpa học về thế giới đã qua; người thứ nhì là Salba về thế giới thế giới hiện nay; người em út về thế giới tiếp theo.

3. Về vụ đám cưới Hoàng Trường công chúa, có ít nhất 3 giả thuyết như sau:

i. Theo sử liệu nhà Đường, Hoàng Trường "lên kiệu hoa" năm 641. Vua Tây Tạng đã tỏ ra rất độ lượng và lịch thiệp ở địa vị con rể khi tiếp nhận tướng Lý Đậu Chung. Ông tỏ ra rất ngưỡng mộ y phục và lễ nghi Hán tộc. Ông đã xây một cung điện cho công chúa Hoàng Trường và gửi người hoàng gia qua Đường du học. Nhà vua mất 9 năm sau đó, còn công chúa Hoàng Trường thì phải tiếp tục ở lại Tây Tạng 30 năm.

ii. Theo lời vị Đại-la Lạt-ma thứ 5, thì nhà vua lúc ấy được 25 tuổi và đã gửi bốn nhóm từ bốn cửa tại Lhasa tiếp đón công chúa. Công chúa Hoàng Trường đã dùng quyền năng của nữ chúa để đáp lễ với cả bốn nhóm này. Lúc bấy giờ nhà vua đã có vợ là công chúa Tsu Tsuang từ Nepal. Mặc dù công chúa Tsu Tsuang đã ở địa vị là hoàng hậu, lớn hơn Hoàng Trường, nhưng công chúa Hoàng Trường lại có địa vị cao hơn vì bà là nữ thần. Do vậy quyền lực được cân bằng và cả ba đều sống trong hạnh phúc. Câu chuyện đáng lưu ý ở đây là Hoàng Trường xây cung điện Potala và chùa Ramoqe (hướng mặt tiền về phía Trường An là kinh đô nhà Đường). Còn công chúa Nepal thì xây một ngôi chùa Da-Zhua lớn hơn nhiều (xoay mặt về hướng Nepal). Cả hai đều không có con. Sau này một thứ bệnh dịch đã làm cả ba người chết cùng lúc, và họ sống hạnh phúc mãi trên thiên đàng.

iii. Trong khi đó một số ngòi bút Tây Tạng lại cho rằng Vua lúc ấy đã 70 tuổi, và hai vị công chúa không thèm nhìn mặt nhau. Sau đó khoảng 1 năm, họ đã gặp nhau và đã sống với nhau khoảng 2 năm trước khi nhà vua tạ thế.

Theo nhận định của tác giả trên trang http://omni.cc.purdue.edu/~wtv/tibet/history3.html, thì:

"... Tôi phỏng đoán rằng Hoàng Trường nguyên là một con gái của tướng Lý, và Vua lúc đó khoảng trung niên (35 tuổi) như đã được mô tả rằng nhà vua 'lịch thiệp ở địa vị con rể khi tiếp nhận tướng Lý Đậu Chung' là người sau đó đã xông pha trận mạc, do đó lúc ấy chắc không thể là một người già. Cuộc hôn nhân này kéo dài 9 năm cho đến khi nhà vua tạ thế. Trong chín năm này, công chúa Nepal có nhiều ảnh hưởng hơn (qua kích thước của ngôi chùa mà cho đến nay vẫn còn được bảo trì). Cung điện Potala được xây vào lúc đó bởi các kiến trúc sư nhà Đường dưới sự chỉ đạo của công chúa Hoàng Trường. Công chúa này đã sống được 30 năm sau đó như đã được minh chứng qua các cuộc tiếp xúc của bà với các Đường tăng trên đường đến Ấn Độ."

posted under |

0 comments:

Newer Post Older Post Home

Followers


Recent Comments